HOA ĐÀO: DƯỢC LIỆU QUÝ CỦA Y HỌC

HOA ĐÀO: DƯỢC LIỆU QUÝ CỦA Y HỌC

Ngày nay, chúng ta biết rằng cây đào có nguồn gốc ở vùng Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, được trồng ở nhiều nước ôn đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, đào được trồng phổ biến ở trung du và miền núi Bắc Bộ để làm cảnh và làm thuốc.
Do trồng trọt lâu đời nên người ta đã tạo ra nhiều giống đào khác nhau như : đào bích có hoa màu đỏ thẫm, nhiều cánh xếp sít nhau; đào phai có hoa màu hồng, cây có nhiều hoa; đào bạch có hoa màu trắng, cây ít hoa. Ngoài ra, còn có loại đào ăn quả với hoa màu hồng nhạt, một lớp cánh, nên gọi là hoa đơn. Người ta thường ghép những mầm đào bích vào gốc đào phai để có hoa to, màu thẫm hơn. Chưng những cành đào tươi thắm vào dịp Tết Nguyên đán là một thú vui, một tập tục văn hóa của người Bắc Bộ.
Những bộ phận của cây đào được dùng làm thuốc là hoa đào, lá đào, cành đào, quả đào, nhân hạt đào, nhựa đào, rễ đào. Trong đó, nhân hạt đào (đào nhân) là vị thuốc thường dùng của Đông y. Hoa đào và lá đào thường được dùng trong các bài thuốc kinh nghiệm dân gian.
Theo Đông y, hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc, tác dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt…Ngày dùng 3-5g hoa khô, hãm nước sôi hoặc sắc uống.
Một số bài thuốc có dùng hoa đào như sau:
– Chữa phù thũng, đại tiện táo bón: Dùng hoa đào 3-5g hãm nước sôi hoặc sắc uống. Có thể dùng cánh hoa đào tươi 4g, gạo tẻ 100g, cả hai thứ trên nấu thành cháo loãng, để ăn, cách ngày làm một lần.
– Chữa sỏi đường tiết niệu: Hoa đào, kim tiền thảo, hạt mã đề, lượng bằng nhau. Rửa sạch, sấy khô, tán bột. Cho vào hũ sạch để bảo quản. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần dùng 8-10g, hòa với nước sôi khoảng 5 phút, uống trước bữa ăn.
– Chữa các vết nám trên da mặt: Hoa đào 10g, hoa sen 15g. Hai thứ phơi khô, tán nhỏ, chia 3 phần. Mỗi lần dùng một phần, cho vào trong cốc thủy tinh rồi pha nước sôi vào như pha trà. Ngâm khoảng 5 phút, uống trước bữa ăn.
– Chữa mụn trứng cá trên mặt: Hoa đào, hoa dành dành, hai thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, sấy khô, trộn đều rồi tán vụn. Hòa với nước vo gạo hoặc với mật ong để bôi lên các nốt mụn trứng cá trên mặt. Có thể hòa đều vào ghi-xê-rin để làm thuốc bôi . Sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh hướng dẫn dùng hoa đào và nhân hạt bí đao với liều lượng bằng nhau, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn, hòa với mật ong mà bôi.
– Chữa mụn lở ở da, chảy nước mủ vàng, rất ngứa: Hoa đào lượng vừa đủ dùng, rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần dùng 6g, hòa với nước đun sôi để còn ấm, uống sau khi ăn.
– Chữa các loại ung nhọt: Lấy hoa đào lượng vừa đủ dùng, rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ, ngâm vào giấm. Dùng nước thuốc này bôi lên các nốt ung nhọt. Ngày bôi 2-3 lần.
– Phụ nữ muốn có được làn da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng, có thể dùng bài thuốc Ngọc nhan tán sau đây: Hoa đào 200g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 250g, bạch dương bì (vỏ cây bạch dương) 100g. Các vị đều rửa sạch, sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn.
Cũng có thể dùng hoa đào tươi 120g ngâm với 500ml rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 10ml.
– Đào nhân được lấy từ hạch quả đào bằng cách đập vỡ vỏ, lấy nhân ở trong (thực ra đây mới là hạt đào), đem phơi hoặc sấy khô để dùng.
Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, tác dụng phá huyết, khử tích trệ, nhuận táo, hoạt trường, lợi tiểu. Nếu dùng sống, chữa kinh nguyệt bế tắc, sinh hòn cục, bụng dưới đầy, đau, vấp ngã ứ huyết. Nếu dùng chín, có tính hoạt huyết, chữa đại tiện khó do huyết táo. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc hồng hoa, ngưu tất, tô mộc, mần tưới, nghệ vàng, mỗi vị 8-15g, sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, kinh bế, đau bụng. Phụ nữ có thai không nên dùng đào nhân.
– Lá đào có vị đắng, tính bình, tác dụng làm tan ứ, giảm đau, lợi tiểu. Ngày dùng 15-30g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước để uống. Dùng ngoài, lấy lá sắc nước hoặc vò nát, lấy nước tắm chữa ghẻ, sưng, ngứa, chốc lở; xát và ngâm chữa đau chân.
– Nhựa đào dùng chữa tiểu đường, tiểu ra dưỡng trấp. Chữa tiểu đường: Nhựa đào 20g, rửa sạch, tán nhỏ, uống với nước sắc râu bắp và địa cốt bì (mỗi thứ 30g). Chữa tiểu ra dưỡng trấp: Nhựa đào 12-15g, rửa sạch, tán nhỏ, uống với nước sắc dây tơ hồng 30g.
Như vậy, cây đào thực sự là một loại cây có ích cho cuộc sống, cả tinh thần lẫn thể chất. Rất xứng đáng là biểu tượng của mùa Xuân, của chính khí, của tình yêu và sức khỏe.l

Chia sẻ